27/06/2025 07:04
Túi lưới tái sử dụng EchoBag đang lan tỏa những tác động tích cực, từng bước thay đổi thói quen sử dụng túi nilon khi đi chợ – một thói quen đang là nguyên nhân lớn gây ô nhiễm môi trường hiện nay.
Để tìm hiểu về dự án này, VOV Giao thông đã có dịp trò chuyện với bà Huỳnh Thị Tường Vy – Phó Giám đốc Dự án Túi lưới yêu môi trường Echobag:
PV: Thưa bà, nguồn cảm hứng nào mà dự án “Túi lưới yêu môi trường Echobag” được ra đời và sứ mệnh của sản phẩm này là gì?
Bà Huỳnh Thị Tường Vy: Hiện nay, trong bối cảnh ô nhiễm nhựa ngày càng trầm trọng, môi trường đang gánh chịu những ụ rác thải, những con kênh tràn ngập rác, những bờ biển mất đi sự trong sạch và mát mẻ của biển cả.
Chúng tôi đã nhìn thấy các bạn sinh viên, các đội nhóm thu gom rác mỗi ngày, nhưng đâu lại vào đấy. Rồi chúng tôi chứng kiến những động vật dưới biển bị quấn mình trong những sợi lưới của ngư dân bỏ đi.
Từ đó, giải pháp túi lưới yêu môi trường ra đời, với sứ mệnh lan tỏa lối sống xanh, tiêu dùng xanh, giảm phát thải rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, bảo vệ đại dương xanh, bảo vệ đa dạng sinh học và hướng đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.
PV: Quá trình tái sử dụng lưới bỏ đi của ngư dân để làm thành túi Echobag được diễn ra như thế nào?
Bà Huỳnh Thị Tường Vy: Chúng tôi đã đi khảo sát tại các vùng biển như xã Tam Hải, xã Bình Tú (Quảng Nam) và Quảng Ngãi để thu gom những bành lưới đã qua sử dụng của người dân. Những bành lưới tưởng chừng như bỏ đi, không còn giá trị, đã được chúng tôi thu gom, làm sạch và tái sử dụng thành những chiếc túi vừa tiện lợi, vừa thời trang, phù hợp với các hoạt động sinh hoạt hằng ngày.
Điểm đặc biệt của sản phẩm là mỗi chiếc túi đều mang theo một thông điệp sống xanh và là minh chứng cho mô hình kinh tế tuần hoàn mà chúng tôi đang theo đuổi.
PV: Đến nay, dự án đã tác động như thế nào đến thói quen sử dụng túi nilon của người dân?
Bà Huỳnh Thị Tường Vy: Việc sử dụng túi nilon và các sản phẩm dùng một lần đã trở thành thói quen khó bỏ trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường.
Người tiêu dùng đã quen với sự tiện lợi của túi nilon, vì vậy khi chiếc túi lưới yêu môi trường ra đời và được chúng tôi đưa ra thị trường, một số người đã hưởng ứng rất mạnh mẽ. Họ không chỉ giảm được đáng kể lượng túi nilon sử dụng mà còn có thể dùng lâu dài nhờ độ bền của chất liệu lưới.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân chưa thực sự quan tâm đến trách nhiệm bảo vệ môi trường. Do đó, chúng tôi mong muốn nhận được sự chung tay từ các cơ quan ban ngành cũng như các doanh nghiệp, để cùng đồng hành với dự án “Túi lưới yêu môi trường”, lan tỏa lối sống xanh và phát triển bền vững.
Dự án không chỉ mang ý nghĩa về môi trường mà còn tạo ra tác động xã hội tích cực, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và người khuyết tật.
PV: Trong tương lai dự án túi lưới Echobag sẽ tiếp tục phát triển ra sao để góp phần bảo vệ môi trường?
Bà Huỳnh Thị Tường Vy: Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch và chiến lược dài hạn, trong đó nổi bật là chuỗi chương trình “Ngày yêu môi trường” nhằm kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp đồng hành cùng dự án, điều đó đồng nghĩa với việc họ đang thực hiện tiêu chí ESG — một tiêu chí bắt buộc trong quá trình phát triển bền vững của doanh nghiệp hiện nay.
Dự án “Túi lưới yêu môi trường” là một mô hình kinh tế tuần hoàn. Vì vậy, chúng tôi đang tiến hành đóng gói quy trình sản xuất theo mô hình này để chuyển giao đến 28 tỉnh ven biển của Việt Nam. Mục tiêu là cùng nhau bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải và hạn chế phát thải khí nhà kính thông qua việc sử dụng túi lưới yêu môi trường thay cho túi nilon dùng một lần.
PV: Cảm ơn bà vì đã chia sẻ!
Tin liên quan